1. Không bảo dưỡng, vệ sinh máy định kỳ
Việc vệ sinh, bảo dưỡng laptop thực chất bao gồm các công việc: vệ sinh phần thân vỏ và linh kiện bên trong, thay kem tản nhiệt, tra dầu quạt, trục bản lề. Việc vệ sinh định kỳ các thiết bị này rất đơn giản, nhanh chóng nhưng các bạn thường không vệ sinh hoặc ít khi vệ sinh máy. Điều này khiến cho máy giảm có thể lên đến 80% hiệu suất và độ bền.
Và máy tính của bạn thường không sạch như bạn nghĩ, với khí hậu nóng ẩm quanh năm và ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, lâu ngày khói bụi sẽ bám vào các khe máy, góc máy, quạt tản nhiệt, các cổng kết nối, hay khe rãnh nút phím, bàn phím….
Đặc biệt là khe máy chứa rất nhiều bụi bẩn gây bít tắc và cản trở sự tản nhiệt lâu ngày sẽ dẫn đến việc hỏng main và các linh kiện gây ra hiện tượng chậm, treo đơ hoặc ngắt máy, sụt nguồn….
Điều này có thể khiến bạn mất hàng triệu đồng để thay main hoặc sửa máy. Thậm chí có những bạn đã rất ngạc nhiên khi đi bảo dưỡng thì thấy côn trùng hay kiến làm tổ trong máy mà không hề hay biết.
Phần kem tản nhiệt, thường sau 4-6 tháng sẽ bị khô vì vậy cần được thay mới để đảm bảo hiệu năng tản nhiệt. Bên cạnh đó dầu bôi trơn được thay định kỳ sẽ giúp quạt vận hành êm ái.
2. Cấu hình máy (RAM, CPU, Ổ cứng) thấp và đặc biệt là thiếu ổ cứng SSD
Nếu bạn đang sở hữu máy có dung lượng RAM dưới 4GB, CPU đời thấp hoặc ổ cứng là loại HDD chuẩn cũ thì khi sử dụng máy nhiều giờ, liên tục gần như chắc chắn sẽ gặp phải hiện tượng giật lag, treo đơ.
Vì laptop trang bị cấu hình đó hiện tại đã không còn đáp ứng với hầu hết nhu cầu sử dụng của các bạn như xử lý đồ họa, giải trí, gaming thậm chí là các tác vụ tin học văn phòng cơ bản.
Ổ HDD chứa quá đầy dữ liệu hoặc sau một thời gian dài sử dụng thì tốc độ sẽ bị giảm một cách đáng kể. Việc bổ sung ổ cứng SSD giúp giảm thiểu thời gian khởi động máy, truy xuất dữ liệu cực nhanh và an toàn, giúp tăng tốc độ máy lên gấp khoảng 20 lần so với bình thường chắc chắn là một giải pháp cực kỳ hiệu quả giúp cho máy tính của bạn không gặp phải tình trạng chạy chậm, treo đơ và giật lag.
3. Máy cài đặt sai hệ điều hành, driver, phần mềm rác và bị nhiễm virus
Trong quá trình tiếp xúc với khách hàng tôi gặp những trường hợp máy trang bị CPU Core 2Dou hoặc Core i3 đời thấp nhưng lại cài hệ điều hành Windows 10. Nhiều người có laptop sở hữu máy có cấu hình rất cao nhưng lại cài Windows phiên bản thấp như Win XP hoặc Win đời thấp. Có một nguyên tắc là việc cài đặt phần mềm cần tương thích với cấu hình phần cứng thì máy mới có thể phát huy được đủ các tính năng và hiệu suất làm việc.
Việc tải và cài đặt các driver từ các trang web không phải từ trang chủ của hãng có thể khiến máy dễ bị treo.
Ngoài ra laptop còn rất dễ bị nhiễm virus hay mã độc khi các bạn truy cập web hoặc tự cài đặt phần mềm từ các trang không chính thống. Virus xâm nhập sẽ sớm dẫn đến tình trạng máy chạy chậm đáng kể và không đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu.
4. Sử dụng đa nhiệm phần mềm, ứng dụng
Việc mở nhiều ứng dụng hay nhiều “Tab” trình duyệt không cần thiết sẽ gây chiếm nhiều bộ nhớ, tiêu tốn tài nguyên dễ gây quá tải. Và nhiều bạn có thói quen để nhiều chương trình khởi động cùng Windows khiến máy bị chậm, treo đơ là điều tất yếu…
5. Sử dụng sai phụ kiện sạc
Khi bạn mua sạc bên ngoài bạn thường test lên điện là được nhưng không để ý các thông số về hiệu điện thế, công suất và cường độ dòng điện của hãng đề xuất ở dưới thân vỏ. Ví dụ: laptop của bạn có công suất 90W nhưng khi bạn mua sạc loại điện áp chỉ 45 hoặc 60W, mặc dù máy vẫn lên điện nhưng nhưng việc sử dụng sạc sai công suất lâu dài sẽ dẫn tới tình trạng nóng máy, giật, chai pin,… Hoặc việc một số hãng máy có cấu trúc chân sạc giống nhau thì thường cắm được với nhau, bạn nghĩ rằng chúng có thể thay thế cho nhau nhưng điều này chưa hẳn đúng.
Tóm lại, bạn cần phải tránh 5 sai lầm:
-
Thứ nhất là không vệ sinh, bảo dưỡng laptop định kỳ.
-
Thứ hai là sử dụng máy có cấu hình thấp hơn so với nhu cầu sử dụng và đặc biệt là thiếu SSD.
-
Thứ ba là cài đặt sai hệ điều hành, driver, phần mềm và để máy bị nhiễm virus.
-
Thứ tư là lạm dụng đa nhiệm phần mềm, ứng dụng
-
Và cuối cùng là sử dụng không đúng loại sạc.