Nếu chỉ có một mình chiếc mini PC Intel NUC trong tay thì chúng ta sẽ chẳng thể chơi game, xem phim hay làm bất cứ điều gì cả, vì thế cần phải có thêm phụ kiện để sử dụng bao gồm màn hình, chuột, bàn phím và tai nghe nữa.
Đầu tiên, mình sẽ trên tay và trải nghiệm bộ phụ kiện 4 món đi kèm với chiếc mini PC Intel NUC này nhé.
1. Màn hình LCD ASUS VG258
Phụ kiện đầu tiên không thể thiếu chính là chiếc màn hình và đây là một chiếc màn hình gaming chính hiệu tới từ ASUS. Nó sở hữu cho mình kích thước 24.5 inch với tần số quét lên tới 165 Hz và tốc độ phản hồi là 1 mili giây. Điều này đem lại cho mình trải nghiệm chơi game FPS trở nên đã mắt hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, khi trải nghiệm chiếc màn hình này, mình còn phát hiện thêm một số tính năng thú vị như khả năng tinh chỉnh nhanh màu sắc trên màn hình sao cho phù hợp với game đang chơi, khả năng bật tâm ngắm ảo trên màn hình, thích hợp với những ai thích chơi súng ngắm không tâm.
Phần chân đế cũng được làm rất chắc chắn, cho khả năng quay màn hình lên tới 180 độ về hai bên trái phải. Chúng ta cũng nhìn thấy những vạch chia độ để xoay một cách chính xác hơn góc mong muốn.
Phía sau chân đỡ cũng có một cơ chế hạ/nâng màn hình bằng hệ thống ròng rọc, giúp bạn có thể đặt màn hình vừa tầm mắt sử dụng.
2. Bàn phím cơ ROG Strix Flare
Đây có thể nói là một trong những bàn phím cơ đắt xắt ra miếng của ASUS và nó đem lại cho mình một trải nghiệm cực kỳ đã tay khi gõ cũng như sử dụng. Ở phía trên cùng của chiếc bàn phím này là các phím chuyên chỉnh âm thanh trong máy. Ví dụ như mình đang chơi Liên minh Huyền thoại và đã mở sẵn một danh sách nhạc, khi đang ở trong game, mình có thể nhấn nhanh phím chuyển bài hoặc tăng giảm âm lượng tùy ý trên bàn phím mà không cần phải Alt + Tab ra ngoài game.
Ở phía dưới, đi kèm với chiếc bàn phím này là một phần chiếu nghỉ tay khá dài, được thiết kế dành riêng cho ROG Strix Flare.
Tạm bỏ qua phần đèn LED RGB đã quá quen thuộc với các game thủ rồi thì chúng ta cùng tới với switch Cherry MX Red đã làm nên sự đắt giá cho chiếc bàn phím này.
Với switch Cherry MX Red cho cảm giác nhấn phím đã tay, tốc độ phản hồi nhanh và cho phép nhấn liên tục khiến cho mình spam kỹ năng hay tung những combo chuẩn xác trong thời gian cực nhanh khi chơi những game MOBA dễ dàng hơn. Ngay cả khả năng nhận diện được nhiều phím cùng lúc cũng khiến các game FPS khi mình chơi có cảm giác thoải mái hơn như khi mình đang vừa di chuyển, nhấn chạy nhanh nhưng vẫn có thể chuyển súng và bật được bản đồ mini.
3. Chuột quang ROG Strix Impact
Nếu như rất hài lòng với bàn phím thì qua con chuột ROG Strix Impact thì mình cảm thấy chưa được xứng tầm cho lắm. Ở đây mình sẽ bỏ qua không nói về mức giá để so sánh và nói nhiều hơn về trải nghiệm.
Khi mà cầm nó trong tay, mình cảm giác nó khá nhỏ bé và không có nhiều điểm nổi bật như là một con chuột gaming, hay nói đúng hơn là nó giống như là một con chuột bình thường được trang bị LED RGB cho hợp tông vậy.
Với chỉ 4 nút: chuột trái, chuột phải, lăn và DPI thì Strix Impact thiếu vắng đi các nút bên hông để cho game thủ thao tác nhanh hơn.
Đây là một chia sẻ của mình, nếu bộ combo này thay bằng con chuột ASUS ROG Gladius II Wireless thì nó lại quá là hợp lý.
4. Tai nghe ROG Strix Fusion 500
Cuối cùng là chiếc tai nghe chụp đầu thuộc loại bao quanh tai, vừa đem lại cảm giác thoải mái khi chơi game trong thời gian dài, vừa có khả năng cách âm tốt và mang lại trải nghiệm âm thanh đã tai hơn.
Phía bên ngoài tai nghe là mạch cảm ứng, giúp bạn có thể chạm nhanh để dừng phát, tiếp tục hay vuốt để chuyển bài. Nó đem lại cảm giác như mình đang sử dụng một thiết bị đến từ tương lai vậy.
và gần như LED RGB đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của các game thủ nên ROG Strix Fusion 500 cũng được trang bị dải đèn nay sao cho tinh tế ở phía bên ngoài.
Một điều mình có thể nói nhanh với các bạn luôn rằng, chiếc tai nghe này đem ra dùng để chơi game thì rất đã, nhưng khi sử dụng để nghe nhạc thì lại khá chán. Đó là cảm nhận của riêng mình khi mà trải nghiệm chiếc tai nghe này, do mình thích nghe nhạc hơn là thích chơi game.
Còn ở trong các game bắn súng, thì ROG Strix Fusion 500 tỏ ra cực kỳ lợi hại, nó có khả năng tái tạo âm thanh trong môi trường rất tốt, từ tiếng súng đạn, gió thổi, nước chảy, lửa cháy, bước chân,… đều rất chân thực và giúp mình có khả năng định hướng trong không gian tốt hơn.
5. Đánh giá hiệu năng của Intel NUC
Cỗ máy NUC này trông thì nhỏ gọn, nhưng lại sở hữu cho mình một cấu hình khủng và hiệu năng cũng cao không kém.
Tóm tắt nhanh cấu hình của Intel NUC
-
CPU: Intel Core i7 8809G
-
RAM: 16 GB
-
Ổ cứng: SSD 256 GB
-
Card đồ họa rời: Radeon RX Vega M GH
Đầu tiên, mình sẽ test hiệu năng của máy với phần mềm CineBench thì máy đạt được điểm OpenGL là 107.80 FPS và điểm CPU là 700 CB.
Ngoài ra, mình cũng test thêm tốc độ đọc ghi ổ cứng SSD có sẵn trên máy thì thấy tốc độ đọc lên tới hơn 2.700 MB/s và tốc độ ghi lên tới gần 1.000 MB/s.
Nếu với cấu hình mạnh mẽ như thế này thì chỉ để NUC làm nhiệm vụ lướt web, nghe nhạc, xem phim sẽ hơi lãng phí đấy. Nên mình quyết định sẽ đánh thử game trên chiếc máy này.
Đầu tiên là Liên minh Huyền Thoại ở cấu hình tối đa. Game chơi mượt mà và không có sự giật lag gì cả. Các bạn có thể thấy FPS trung bình ở mức 172 FPS, và có giảm kha khá khi vào combat. Nhưng điều này cũng không làm ảnh hưởng nhiều lắm tới trải nghiệm game.
Với CS:GO, mình cũng để cấu hình tối đa để chiến và cảm thấy rất hài lòng khi bắn ở mức 184 FPS trung bình. Kết hợp với cả bộ phụ kiện tai nghe, bàn phím, màn hình tới từ ASUS quả là tuyệt vời.
Cuối cùng là PUBG thì mình chỉ để cấu hình ở mức cao mà thôi. Thật tuyệt vời khi chơi mà FPS trung bình ở mức 58, vừa đủ để trải nghiệm cái đẹp của game và cũng vừa đủ để có thể chơi một cách mượt mà.