Chiếc laptop mỏng nhẹ lần này mình đánh giá có gắn thêm card đồ họa rời Nvidia GeForce MX130, giúp tăng khả năng xử lý đồ họa cho máy. Thực tế hiệu năng của máy sử dụng tới đâu thì mời các bạn cùng xem chi tiết hơn trong bài đánh giá Lenovo Ideapad 530S phiên bản mới.
Phiên bản có card đồ họa rời sẽ có những khác biệt về mặt hiệu năng, tản nhiệt cũng như thời lượng pin nên chúng ta sẽ tập trung vào đánh giá chi tiết hơn các điểm này.
Trước hết, các bạn có thể xem thêm một số hình ảnh về laptop Lenovo Ideapad 530S phiên bản màu xám ở dưới đây:
1. Cấu hình và hiệu năng
Tóm tắt nhanh cấu hình của Lenovo Ideapad 530S:
-
CPU: Intel Core i5 8250U.
-
RAM: 8 GB.
-
Ổ cứng: SSD 256 GB.
-
Card đồ họa rời: Nvidia GeForce MX130.
Đầu tiên là phần đánh giá hiệu năng với phần mềm Geekbench, máy đạt được 32.196 điểm. Điểm số này cao hơn phiên bản sử dụng CPU Core i7 (29.877 điểm), lý do phiên bản CPU Core i7 có điểm số thấp hơn một chút do không có sử dụng card màn hình rời.
Tiếp theo là bài test với phần mềm Cinebench, máy đạt được điểm OpenGL là 66.33 FPS và điểm cho CPU là 479 cb. Nếu so sánh với một số laptop gaming giá rẻ hiện này thì điểm số này vẫn còn hơi kém một chút. Vì đây là chiếc máy sinh ra để làm văn phòng nên so sánh với laptop gaming sẽ hơi bị khập khiễng
Ổ cứng máy sử dụng là ổ SSD nên mình cũng test tốc độ đọc ghi với phần mềm Crystal Disk Mark. Ổ cứng của máy ghi nhận những con số khủng, như: Tốc độ đọc tối đa có thể lên tới 1.810 MB/s, trong khi đó tốc độ ghi tối đa có thể lên tới 1.293 MB/s.
Thử khả năng xử lý các tác vụ văn phòng thông thường của máy với 50 tab Chrome, mở phần mềm xử lý ảnh Photoshop kết hợp với bộ Office của Microsoft là hai ứng dụng Word và Excel.
Không quá bất ngờ khi máy dư sức cân được cả 50 tab Chrome mà vẫn có thể chuyển trang mượt mà, kèm với đó là thêm 24 tấm ảnh xử lý với phần mềm Photoshop cũng được máy xử lý rất “ngọt”, hai ứng dụng Word và Excel thì gần như quá nhẹ nhàng để máy gánh được hết rồi.
Tiếp theo là màn thử thách chơi game với ba tựa game MOBA và bắn súng phổ biến hiện nay.
Đầu tiên là Liên minh Huyền thoại. Với game MOBA này, mình tự tin đẩy cấu hình lên mức cao nhất. Nhờ có card đồ họa rời GeForce MX130 nên game này chơi mượt ở tỉ lệ khung hình trên giây là 60 FPS nhé. Vừa đẹp để thưởng thức game một cách trọn vẹn.
Mọi chuyện sẽ khác với CS:GO, đây là một tựa game FPS cũng đòi hỏi cấu hình cũng kha khá hơn so với LOL. Tất nhiên mình vẫn để cấu hình cao nhất để trải nghiệm game xem như thế nào.
Mọi thứ khá ổn khi mình chơi game ở mức khoảng 30 FPS. Nói thật thì là quá thấp để mà chơi game bắn súng, nhưng thôi kệ mình có thể tạm chấp nhận được điều này, vì chỉ chơi để giải trí thôi mà.
Cuối cùng, PUBG chắc chắn sẽ là một trong những game bắn súng ngốn nhiều cấu hình nhất, mặc dù chuyển sang chế độ đồ họa thấp nhất nhưng con số 20 FPS đem lại trải nghiệm chơi game không ổn chút nào các bạn à.
Thực tế thì GPU của máy không phải là dòng dành cho game thủ nên chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều, đây mình chỉ thử nghiệm để cho các bạn dễ hình dung về hiệu năng của máy. Có chăng là chơi liên minh hay CS:GO giải trí là được rồi nhỉ.
Nhận xét: Về cấu hình và hiệu năng của Lenovo Ideapad 530S phiên bản có card đồ họa rời này, máy đủ “cân” được hết các tác vụ văn phòng và thậm chí là phục vụ nhu cầu giải trí của bạn với những tựa game phổ biến hiện nay.
2. Tản nhiệt
Chắc chắn với việc có thêm card đồ họa rời thì máy sẽ đi cùng với hệ thống quạt tản nhiệt kép. Nhiệt độ của máy khi hoạt động trong điều kiện thông thường sẽ rơi vào khoảng 5x độ C. Đây là một mức trung bình cao so với nhiệt độ hoạt động của CPU và GPU.
Tuy nhiên, trong lúc chơi game mình lại thấy nhiệt độ của máy giữ khá ổn định ở mức 60 độ C, dù có là game nào mình test đi chăng nữa. Nhiệt độ của máy sau khoảng 5 – 7 phút không tiếp tục chơi game nữa sẽ giảm về còn khoảng 55 – 57 độ C và duy trì ở mức đó.
Điều này theo cá nhân mình nghĩ không phải là do tản nhiệt của máy hoạt động tốt, mà thực sự mình có cảm giác là phần cứng đã được cài đặt một mốc giới hạn do nhà sản xuất đặt ra, khiến cho hiệu suất của CPU cũng như GPU chỉ đạt được tới mức đó là tối đa.
Do thiết kế toàn bộ là kim loại nên khả năng hấp thụ nhiệt của máy rất là tốt, máy nóng lên khá nhanh và nguội cũng lâu. Sau khi dùng khoảng hơn 1 tiếng liên tục mình bắt đầu cảm thấy hơi ấm ấm ở phần chiếu nghỉ tay hai bên rồi.
Điều này cũng không thể trách Lenovo được, vì chúng ta muốn một chiếc máy kim loại sang trọng thì phải chấp nhận là máy rất dễ hấp thụ nhiệt so với lớp vỏ nhựa rồi.
3. Thời lượng pin
Lúc trước, mình từng đánh giá thời lượng pin của phiên bản Ideapad 530S sử dụng CPU Core i7 với thời lượng pin khoảng 3 giờ. Nên kỳ vọng lần này cho phiên bản sử dụng card đồ họa rời mình cũng không đánh giá cao cho lắm.
Bài test của mình như thường lệ vẫn là độ sáng màn hình mở 100%, loa ngoài 50%, wifi mở liên tục, máy sử dụng các tác vụ văn phòng bình thường như: Chrome, Word, Excel,…
Đây là biểu đồ ghi lại các mốc thời gian và lượng pin của máy thì chúng ta có thể thấy thời lượng pin sẽ chỉ vào khoảng hơn 2 tiếng rưỡi một chút mà thôi
Ngoài ra, mình cũng đo đạc lượng pin của máy với phần mềm Batterymon thì cho kết quả là 2 giờ 46 phút.
Điều này khẳng định chắc chắn rằng, nếu bạn muốn mang máy đi đâu thì phải mang sạc theo đó nếu muốn sử dụng liên tục trong một ngày làm việc.
Kết luận
Tổng hợp lại thì chúng ta có thể thấy Lenovo Ideapad 530S phiên bản sử dụng card đồ họa rời mang lại hiệu năng về mặt đồ họa mạnh mẽ hơn, có thể phù hợp cho những nhân viên văn phòng thường xuyên sử dụng các phần mềm đồ họa như Illustrator, Photoshop, AutoCAD,….